Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

0 Những nguyên nhân có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước

Sử dụng quá nhiều thuốc thực vật, những trận lũ lớn, sự phát triển công nghiệp... là một số nguyên nhân có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước ở Ninh Thuận.

Tỉnh Ninh Thuận có lượng mưa trung bình phổ biến từ 800 mm đến 1.200 mm, song lượng bốc thoát hơi nước tiềm năng trung bình nhiều năm lại có trị số cao tới 1.800-1.900 mm. Bởi vậy, dòng chảy nước mặt được sản sinh từ mưa chỉ có khoảng hai tỷ mét khối và được bổ sung khoảng một tỷ mét khối từ ngoài tỉnh.

Rác thải bị vứt vô ý thức làm ô nhiễm nguồn nước. Ảnh minh họa


Theo con số thống kê, bình quân lượng nước trên toàn lãnh thổ Việt Nam có tới 25.000 m3/ha trong một năm, trong khi Ninh thuận chỉ có hơn 8.000 m3/ha trong một năm. Nói chung, đây là một vùng nghèo về nước mặt, do đó cần có phương án sử dụng tối ưu nguồn nước có được và chú trọng về chất lượng của nó. Đặc biệt, chúng ta nên tìm ra những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.

Thứ nhất, Ninh Thuận có nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Về trồng trọt, ngoài lúa nước, chúng ta có những vùng chuyên canh các loại cây đặc thù như: nho, dưa hấu, hành, tỏi, ớt… thưòng xuyên phải sử dụng phân bón hóa chất vi lượng và thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao. Về chăn nuôi, hệ thống các trang trại bò, dê, cừu… rất phát triển nhưng phương pháp chăn thả lại tự do, thiếu quy hoạch. Do đó, khả năng gây ô nhiễm nguồn nước từ các hóa chất có trong phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, từ chất thải trang trại chăn nuôi đều rất cao.

Thứ hai, tỉnh Ninh Thuận đã và sẽ đưa vào sử dụng một số hồ chứa nước thủy lợi như: Sông Sắt, Sông Trâu, Tân Giang, Suối Lớn, Nước Ngọt, Tân Mỹ, Phước Trung… Điều này làm cho dòng chảy môi trường trên các sông suối bị hạ thấp, giảm đi khả năng tự làm sạch của nguồn nước. Ngoài ra, phía thượng lưu lòng hồ độ phì dưỡng tăng cao đột ngột, tạo điều kiện cho các loại tảo sinh trưởng nhanh, tác động không tốt, trực tiếp gây ô nhiễm tới môi trường nước. Trong thời gian thi công xây dựng các hồ, hàm lượng phù sa của nước sông, suối cũng tăng lên đáng kể do ô nhiễm chất thải rắn.

Mưa lũ cũng có thể gây ô nhiễm nguồn nước. Ảnh minh họa


Thứ ba, hàng năm, vào mùa mưa lũ, đặc biệt tháng 10 và 11 thường xuất hiện những trận lũ lớn. Nhiều khu vực trũng thấp tập trung dân cư đông đúc bị ngập sâu trong biển nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến môi trường nước và sức khỏe của nhân dân. Ngược lại, về mùa cạn, lượng nước mặt thiếu hụt nghiêm trọng. Theo tính toán trên sông Cái Phan Rang lượng nước sinh ra trên mỗi đơn vị diện tích lưu vực trong một đơn vị thời gian, gọi là mô đun dòng chảy lũ cực đại có thể đến 1.600l/s/km2, còn mô đun dòng chảy mùa cạn có lúc chỉ còn 10/l/s/km2. Đây là nguyên nhân làm cho dòng chảy mất khả năng tự làm sạch, tăng khả năng cho nước biển xâm nhập, dẫn đến một phần diện tích đất nông nghiệp bị ô nhiễm mặn.

Thứ tư là sự phát triển của công nghiệp. Một số hình thức khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, nhà máy chế biến nông sản, hải sản có lượng chất thải đáng kể gây ô nhiễm nguồn nước rất cao, nếu không có biện pháp kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Thứ năm, xuất phát từ chính ý thức của cộng đồng xã hội đối xử với nguồn nước. Dù khách quan hay chủ quan, nhưng hiện tượng vứt rác thẳng xuống dòng sông hay tạo các bãi rác ngay tại các bến sông, chăn thả gia súc tự do, phóng uế bừa bãi nơi ven sông, bờ suối… đều gây ô nhiễm nguồn nước và làm mất đi mỹ quan của dòng sông.

Thưòng xuyên phải sử dụng phân bón hóa chất vi lượng và thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa


Trong thực tế kiểm soát nguồn nước, chúng ta có thể thông qua điều tra, khảo sát tại thực địa để xác định các nguồn nước thải tập trung và kiểm soát chúng. Với các nguồn thải phân tán chỉ có thể kiểm soát và hạn chế chúng thông qua các biện pháp thu gom, quản lý chặt chẽ rác thải, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân, động viên họ tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc quản lý, bảo vệ nguồn nước muốn thực hiện được kết quả cần phải sử dụng nhiều biện pháp tổng hợp; có sự tổ chức tốt dưới sự lãnh đạo của Nhà nước, cũng sự ủng hộ của cộng đồng dân cư.

0 Bàn chải đánh răng từ tre thân thiện với môi trường

Hai nhà sáng chế trẻ tại Mỹ dùng tre để chế tạo loại bàn chải đánh răng thân thiện với môi trường.

Toàn bộ nguyên liệu của bàn chải Bogobrush đều có nguồn gốc thiên nhiên. Ảnh:Gizmag.


Phần lớn bàn chải đánh răng hiện này được sản xuất từ nhựa, loại nguyên liệu chỉ phân hủy sau hàng trăm năm. Vì thế, sau khi người ta vứt bàn chải nhựa, chúng tồn tại rất lâu và có thể gây nên nhiều vấn đề môi trường.

Heather và anh John McDougall, hai người con của một nha sĩ tại bang North Carolina, Mỹ, nảy ra ý tưởng chế tạo bàn chải đánh răng có khả năng phân hủy trong thời gian ngắn. Họ chọn tre, một loại nguyên liệu dồi dào, để chế tạo bàn chải mang tên Bogobrush, Gizmag đưa tin.

Chị em nhà McDougall dùng nguyên liệu thực vật để chế tạo lông bàn chải Bogobrush. Thời gian phân hủy hoàn toàn của nylon nhân tạo thường là 30 tới 40 năm, trong khi nylon thực vật phân hủy trong vòng một năm.

Để quảng bá sản phẩm, hai nhà sáng chế cam kết rằng họ sẽ áp dụng chính sách "bán một tặng một", nghĩa là họ bán được bao nhiêu bàn chải thì sẽ tặng bấy nhiêu chiếc.

"Chúng tôi cảm thấy phấn khởi khi nghĩ tới viễn cảnh tặng bàn chải Bogobrush cho những người thực sự cần chúng", cô Heather McDougall phát biểu.

Bàn chải Bogobush sẽ xuất hiện trên thị trường Mỹ từ năm 2013 với giá 10 USD mỗi chiếc. Hiện tại Bogobrush, tên của công ty sản xuất bàn chải do anh em nhà McDougall sáng lập, đã chấp nhận đơn đặt hàng trên mạng.

0 Tái chế biến rác Hà Nội thành điện

Dự án xây dựng nhà máy biến rác thành điện đầu tiên tại Đông Nam Á sẽ được thực hiện tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội năm nay.


Một người nhặc rác tại bãi rác Nam Sơn. Ảnh: Minh Trí.

Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) và công ty Hitachi Zosen từ Nhật Bản ký kết Tài liệu thực hiện dự án mẫu "Hệ thống xử lý chất thải công nghiệp phát điện tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội" vào sáng 14/8.

Đây là dự án xây dựng nhà máy biến rác thải thành điện năng đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn tài trợ của tổ chức NEDO Nhật Bản, thông qua chương trình Viện trợ Xanh do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư 29,2 triệu USD, trong đó phía Nhật Bản tài trợ 22,5 triệu USD.

Một số loại rác mà nhà máy có khả năng xử lý vượt trội bao gồm cao su, da, nhựa, vải, bã giấy, rác thải y tế, rác sinh hoạt đã phân hủy.

Dự án bắt đầu triển khai trong năm nay. Tới năm 2014, nhà máy sẽ vận hành với công suất lò đốt chất thải công nghiệp là 75 tấn/ngày, thu hồi năng lượng để phát điện với công suất là 1.930 kW.

0 Thiết kế trang phục thể thao thân thiện môi trường

Hãng sản xuất trang phục thể thao PUMA vừa thông báo về việc cho ra thị trường một loạt sản phẩm mới có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học với tên gọi chung InCycle.
Bộ sưu tập “vòng khép kín” này bao gồm giày dép, các sản phẩm may mặc, phụ kiện… sau khi hết chu kỳ sử dụng không bị ném vào thùng rác mà được thu gom theo chương trình “Bring Me Back” của công ty.




Dòng sản phẩm InCycle bao gồm các vật liệu có thể bị phân chia nhỏ dưới tác động của vi sinh vật khi xâm nhập vào cấu trúc. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết theo đánh giá của giấy phép tiêu chuẩn Cradle to

Cradle là các nguyên liệu với sợi hữu cơ không được phép chứa vật liệu độc hại có thể ảnh hưởng môi trường. Các sản phẩm tái chế lần lượt được thực hiện với các kim loại, hàng dệt may, nhựa dẻo cũng có thể dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm khác.

Trong số các sản phẩm phân hủy sinh học InCycle thì loại Basket Tee và Basket lifestyle được làm từ bông và sợi lanh hữu cơ, thêm nhựa phân hủy sinh học APINATbio giúp chúng lúc không còn sử dụng có thể băm nhỏ để ủ thành đất mùn tự nhiên.

Đối với dòng sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế thì ba lô PUMA làm bằng polypropylene có thể tự phân hủy để trả lại chất liệu ban đầu, trong khi loại áo khoác PUMA được dệt bằng polyester có nguồn gốc từ chai nhựa dẻo PET đã qua sử dụng. Cả hai loại sản phẩm đều được đảm bảo tái chế kể cả các sợi dây kéo, riêng áo khoác PUMA có thể chuyển đổi thành các hạt polyester sử dụng làm nguyên liệu thứ cấp cho các sản phẩm từ polyester khác.

Theo Gizmag thì bộ sưu tập InCycle của PUMA cùng chương trình “Bring Me Back” sẽ được giới thiệu rộng rãi trên toàn thế giới kết hợp với các công ty tái chế khác để tăng cường bảo vệ môi trường.

0 Trung Quốc thừa nhận tồn tại Làng ung thư do ô nhiễm môi trường

Bộ môi trường Trung Quốc đã thừa nhận sự tồn tại của những ngôi làng ung thư có liên quan tới ô nhiễm môi trường.

Đây là lần đầu tiên cụm từ “làng ung thư” được sử dụng trong một tài liệu chính thức của chính quyền khi nhà chức trách phải đối diện với sự bất bình ngày càng gia tăng về rác thải công nghiệp, khói bụi độc hại và các vấn đề môi trường và y tế khác sau nhiều năm tăng trưởng kinh tế nhanh.

“Những hóa chất độc hại đã gây ra những tình trạng nghiêm trọng cho môi trường nước và không khí… ở những vùng được gọi là làng ung thư”, bản kế hoạch năm năm cho biết.

Báo cáo không nói rõ khái niệm làng ung thư là gì, mà sử dụng một cụm từ được báo chí sử dụng đầu tiên, đặc biệt sau khi một nhà báo Trung Quốc đã vẽ bản đồ làng ung thư vào năm 2009.

Bộ môi trường thừa nhận nhìn chung Trung Quốc đã sử dụng “các sản phẩm độc hại” bị cấm ở các nước phát triển và “để lại nguy cơ lâu dài với sức khỏe con người và hệ sinh thái”./.



Sự phát triển quá nóng về kinh tế đã để lại những hậu họa về sức khỏe

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

0 Những model thời trang mang tên "thùng rác"

Nhà nước bố trí, lắp đặt thùng rác để sạch sẽ đường phố, nhưng những hộ dân lại tìm đủ mọi cách bịt kín chúng lại. Đây là thực trạng mà tôi bắt gặp rất nhiều ở các con đường khác nhau trong TP HCM.


Bịt thùng rác để phơi đồ.


Bịt thùng rác để tránh mùi hôi.


Thùng rác thì bịt bịt nhưng rác lại quăng ra vỉa hè.


Không bịt, đố khách nào ngồi đó mà uống cafe.


Thùng rác bít kín, đằng trước quán cơm vỉa hè.


Chỉ có rác mới hiểu thùng đi đâu về đâu ?


Một phương án thay thế cho nắp thùng chăng?


Một góc ở Đề Thám (khu phố Tây), không biết thấy vậy người nước ngoài nghĩ như thế nào ?

0 Hiểm họa ô nhiễm môi trường từ các quán vỉa hè

Ngon-rẻ-mát mẻ, đó là lý do khiến nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) luôn chọn các hàng quán vỉa hè để tụ tập, ăn uống. Nhưng, ít ai biết rằng, những nơi này lại là tác nhân gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đường phố.

Nhiều ngõ ngách đường phố, đặc biệt là các thành phố lớn, từ trường học, bệnh viện đến bến xe, xung quanh các khu dân cư, nhà máy, công ty, ngay cả dọc theo các trục đường chính.. đâu đâu cũng thấy hàng quán vỉa hè mọc tràn lan. Theo quan sát, từ 17 đến 18h, các hàng quán này bắt đầu xuất hiện, địa bàn vỉa hè và lòng đường gần như đã được "chia ngầm" từ trước giữa những người bán hàng.

Đường phố ngập trong trong rác thải và nước thải từ các hàng quán vỉa hè.

Dọc theo các trục đường liên tỉnh, các xe, gánh hàng rong thi nhau bày biện hàng, tràn cả xuống đường. Từ 17 đến 21h là giờ cao điểm, quán hàng tràn lan, xe cộ dựng ngổn ngang, khách hàng tụ tập ồn ào gây mất mỹ quan đô thị. Những mặt hàng được chào bán ở đây chủ yếu là thực phẩm và đồ uống, hoa quả. Các quán ăn nhanh như bún, phở, chân gà nướng, ốc luộc, xúc xích rán, trà đá, trà chanh đua nhau mọc lên. Mỗi khi hoạt động, các quán này hòa lẫn giữa làn khói bụi đường,mùi hôi thối của cống rãnh bốc lên, trong khi đó khách hàng vẫn vô tư thưởng thức, buôn chuyện bên cạnh những khối rác.

Sự ô nhiễm từ các hàng quán vỉa hè đang là thực trạng phổ biến ở nước ta. Dẫu biết rằng nhu cầu ăn uống của con người là thiết thực, nhưng chúng ta hãy hành động nó theo ý thức. Khi vào các hàng quán này, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh thức ăn cặn thừa chủ gặp đâu đổ đấy, khách hàng dùng xong tiện đâu vứt đấy. Giấy ăn, đũa dùng một lần, thức ăn thừa đều được chủ và khách hàng xả vô tội vạ xuống đường dù sọt giác ngay bên cạnh.

Một quán vỉa hè có rác, hai quán vỉa hè có rác, và cả con phố quán vỉa hè tràn ngập rác. Điều đáng nói ở đây nữa, đó là nước thải. Bởi là quán ăn vỉa hè, nên lượng nước để dùng cũng được hạn chế. Các ông, bà chủ ở đây chỉ trang bị một vài cái thùng lớn để chứa nước. Nhưng theo quan sát, những chiêc thùng này rất hiếm khi được cọ sạch để dùng. Nhân viên của quán đổ tràn nước thải xuống cả lòng đường gây mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy.

Một kiểu ô nhiễm nữa từ việc tụ tập ở các hàng quán vỉa hè đó là ô nhiễm tiếng ồn. Hàng trăm con người tụ tập, hàng trăm hàng nghìn đề tài được họ đem ra bàn luận. Không khí ồn ào náo nhiệt luôn thường trực ở những nơi này. Do đó, bầu không khí hay bị “ngộ độc”, “ô nhiễm” bởi những lời văng tục, chửi thề của một bộ phận khách hàng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của những người dân sống xung quanh.

Bên cạnh việc gây mất mỹ quan đô thị, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các hàng quán này cũng đang là một dấu chấm hỏi đối với chúng ta. Thức ăn được đựng trong những túi nilon hoặc đặt trên mấy viên gạch kê tạm bợ rồi bày ngay dưới đất, sát đường đi không cần che đậy. Người bán hàng không đeo găng tay, vừa cười nói vừa luôn tay bốc thức ăn.

Đập vào mắt người ăn là những xô nước đổ thức ăn dư thừa không được che đậy đặt kề bên miệng thoát nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khó có thể mô tả sự mất vệ sinh ở đây, bởi bát đĩa bẩn được tráng sơ qua trong xô nước bên cạnh, rồi dùng chiếc khăn cũng không sạch để lau qua, tiếp tục đựng thức ăn phục vụ “thượng đế” tiếp theo .

Vỉa hè bây giờ không còn là nơi để người dân có thể đi bộ, đi dạo nữa mà nó đã phải trở thành nơi kinh doanh buôn bán. Bộ mặt đường phố có sạch,đẹp hay ngược lại đi chăng nữa phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của con người. Chỉ với hành động đơn giản là bỏ rác vào nơi quy định là bạn đang góp phần vào sự sạch đẹp cho cuộc sống của bạn, góp phần bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, chính quyền, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, kinh doanh vỉa hè gây ô nhiễm môi trường.
 

Hút bể phốt Copyright © 2012