Ngon-rẻ-mát mẻ, đó là lý do khiến nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) luôn chọn các hàng quán vỉa hè để tụ tập, ăn uống. Nhưng, ít ai biết rằng, những nơi này lại là tác nhân gây ra vấn nạn ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đường phố.
Nhiều ngõ ngách đường phố, đặc biệt là các thành phố lớn, từ trường học, bệnh viện đến bến xe, xung quanh các khu dân cư, nhà máy, công ty, ngay cả dọc theo các trục đường chính.. đâu đâu cũng thấy hàng quán vỉa hè mọc tràn lan. Theo quan sát, từ 17 đến 18h, các hàng quán này bắt đầu xuất hiện, địa bàn vỉa hè và lòng đường gần như đã được "chia ngầm" từ trước giữa những người bán hàng.
Đường phố ngập trong trong rác thải và nước thải từ các hàng quán vỉa hè.
Dọc theo các trục đường liên tỉnh, các xe, gánh hàng rong thi nhau bày biện hàng, tràn cả xuống đường. Từ 17 đến 21h là giờ cao điểm, quán hàng tràn lan, xe cộ dựng ngổn ngang, khách hàng tụ tập ồn ào gây mất mỹ quan đô thị. Những mặt hàng được chào bán ở đây chủ yếu là thực phẩm và đồ uống, hoa quả. Các quán ăn nhanh như bún, phở, chân gà nướng, ốc luộc, xúc xích rán, trà đá, trà chanh đua nhau mọc lên. Mỗi khi hoạt động, các quán này hòa lẫn giữa làn khói bụi đường,mùi hôi thối của cống rãnh bốc lên, trong khi đó khách hàng vẫn vô tư thưởng thức, buôn chuyện bên cạnh những khối rác.
Sự ô nhiễm từ các hàng quán vỉa hè đang là thực trạng phổ biến ở nước ta. Dẫu biết rằng nhu cầu ăn uống của con người là thiết thực, nhưng chúng ta hãy hành động nó theo ý thức. Khi vào các hàng quán này, đâu đâu cũng bắt gặp cảnh thức ăn cặn thừa chủ gặp đâu đổ đấy, khách hàng dùng xong tiện đâu vứt đấy. Giấy ăn, đũa dùng một lần, thức ăn thừa đều được chủ và khách hàng xả vô tội vạ xuống đường dù sọt giác ngay bên cạnh.
Một quán vỉa hè có rác, hai quán vỉa hè có rác, và cả con phố quán vỉa hè tràn ngập rác. Điều đáng nói ở đây nữa, đó là nước thải. Bởi là quán ăn vỉa hè, nên lượng nước để dùng cũng được hạn chế. Các ông, bà chủ ở đây chỉ trang bị một vài cái thùng lớn để chứa nước. Nhưng theo quan sát, những chiêc thùng này rất hiếm khi được cọ sạch để dùng. Nhân viên của quán đổ tràn nước thải xuống cả lòng đường gây mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đầy.
Một kiểu ô nhiễm nữa từ việc tụ tập ở các hàng quán vỉa hè đó là ô nhiễm tiếng ồn. Hàng trăm con người tụ tập, hàng trăm hàng nghìn đề tài được họ đem ra bàn luận. Không khí ồn ào náo nhiệt luôn thường trực ở những nơi này. Do đó, bầu không khí hay bị “ngộ độc”, “ô nhiễm” bởi những lời văng tục, chửi thề của một bộ phận khách hàng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của những người dân sống xung quanh.
Bên cạnh việc gây mất mỹ quan đô thị, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các hàng quán này cũng đang là một dấu chấm hỏi đối với chúng ta. Thức ăn được đựng trong những túi nilon hoặc đặt trên mấy viên gạch kê tạm bợ rồi bày ngay dưới đất, sát đường đi không cần che đậy. Người bán hàng không đeo găng tay, vừa cười nói vừa luôn tay bốc thức ăn.
Đập vào mắt người ăn là những xô nước đổ thức ăn dư thừa không được che đậy đặt kề bên miệng thoát nước thải bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khó có thể mô tả sự mất vệ sinh ở đây, bởi bát đĩa bẩn được tráng sơ qua trong xô nước bên cạnh, rồi dùng chiếc khăn cũng không sạch để lau qua, tiếp tục đựng thức ăn phục vụ “thượng đế” tiếp theo .
Vỉa hè bây giờ không còn là nơi để người dân có thể đi bộ, đi dạo nữa mà nó đã phải trở thành nơi kinh doanh buôn bán. Bộ mặt đường phố có sạch,đẹp hay ngược lại đi chăng nữa phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của con người. Chỉ với hành động đơn giản là bỏ rác vào nơi quy định là bạn đang góp phần vào sự sạch đẹp cho cuộc sống của bạn, góp phần bảo vệ môi trường. Thiết nghĩ, chính quyền, các cơ quan chức năng nên nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, kinh doanh vỉa hè gây ô nhiễm môi trường.
Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét