Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

0 Rùng mình với những con số trong ô nhiễm môi trường

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất nông nghiệp, khiến nhiều người rùng mình. Trung bình mỗi năm có khoảng 19.600 tấn vỏ bao thuốc BVTV và phân bón thải ra môi trường; lượng phân bón dùng trong nông nghiệp tăng 517% trong vòng 25 năm qua nhưng có tới 2/3 trong số đó không được cây trồng hấp thụ.


Những con số biết nói


Theo tính toán, riêng năm 2010, khoảng 60-65% lượng phân đạm (tương đương 1,77 triệu tấn), 55-60% lượng lân (2,07 triệu tấn và 55-60% kali (344 nghìn tấn) được bón vào đất nhưng cây trồng không hấp thụ, tác động tiêu cực đến nông nghiệp và có thể gây đột biến gen đối với một số loại cây trồng. Trong chăn nuôi, khoảng 60% chất thải rắn chưa qua xử lý đổ thẳng ra môi trường, xuống hệ thống thoát nước, kênh mương. Số lượng phân không được xử lý và tái sử dụng chính là nguồn gốc cung cấp khí CO2, N2O làm trái đất nóng lên. Chưa kể nguồn chất thải phát tán của vật nuôi gây lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương trong thời gian qua.

Điều đáng lo ngại hơn cả là việc nông dân sử dụng thuốc BVTV một cách bừa bãi đã ảnh hưởng tới chất lượng môi trường nước, đất gây độc bầu khí quyển, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và gây mất cân bằng sinh thái, tiêu diệt các loài sinh vật có ích… Qua khảo sát tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, nhiều nông dân không đọc được hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì thuốc, cứ sử dụng theo cảm tính, mua và phun theo thói quen…

Theo bà Hán Thị Lâm, thôn Chu Châu, xã Minh Châu (huyện Ba Vì), trước đây người dân địa phương thường làm cỏ bằng phương pháp thủ công thì nay chỉ cần mua thuốc rồi phun trực tiếp vào cỏ, chỉ vài ngày cỏ sẽ chết khô. Bà Lâm cho biết, chỉ cần bỏ ra từ 35.000-40.000 đồng mua một lọ thuốc phun trực tiếp lên đất, cỏ không thể mọc được, nếu cỏ mọc tốt thì phun thuốc tăng thêm liều lượng.

Một kết quả gần đây của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện nay khoảng 35% số người sử dụng thuốc BVTV phòng, trừ các đối tượng côn trùng, dịch hại, sâu bệnh không hề đọc được nhãn thuốc, 94% số hộ sử dụng thuốc BVTV không theo hướng dẫn trên bao bì. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, với việc sử dụng phân bón chưa đúng kỹ thuật, phát triển nuôi trồng thủy sản theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ thiếu hệ thống thu gom, xử lý chất thải và sự mù mờ của một bộ phận nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ trong sản xuất đã gây ô nhiễm nặng nề môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế bền vững và sức khỏe cộng đồng.

Hướng cộng đồng bảo vệ môi trường

Tại lễ công bố báo cáo môi trường quốc gia vừa tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức suy thoái về môi trường, trở thành những vấn đề "nóng" và là mối quan tâm của toàn xã hội. Mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường quản lý, nhưng môi trường nói chung và môi trường sản xuất nông nghiệp nói riêng bị xâm hại làm cho đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng, an ninh môi trường bị đe dọa… Để hạn chế những tác động xấu tới môi trường, cần có các giải pháp toàn diện và tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ môi trường. Quan trọng nhất là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường.

Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra nhận định, Việt Nam có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP mỗi năm. Và ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, chất thải rắn… có xu hướng sẽ gia tăng, kéo theo hệ quả là tác động tới đời sống và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội ngày càng trầm trọng. Đây cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt xung đột về môi trường, điển hình là xung đột lợi ích giữa các nhóm cộng đồng trong khai thác sử dụng tài nguyên, giữa những nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng bị ô nhiễm.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, môi trường trong sản xuất nông nghiệp đang có chiều hướng xấu đi, mức độ suy thoái đã trở nên cấp bách. Với mức độ lạm dụng phân bón, thuốc BVTV tràn lan như hiện nay và việc tùy tiện xả chất thải rắn từ chăn nuôi ra môi trường chưa qua xử lý… thì khó có thể phát triển nền nông nghiệp ổn định, bền vững.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Hút bể phốt Copyright © 2012