Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

0 Hiểm nguy rình rập nghề Thông tắc cống



Chuyện hai công nhân chết ngộp trong đường ống cấp nước xảy ra ngày 11/9, tại đường Nguyễn Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) vẫn còn khiến nhiều người trong nghề thảng thốt… Làm nghề công nhân thông cống là chấp nhận đối mặt với nhọc nhằn, hiểm nguy.

Mỗi ngày tại TP.HCM có hàng trăm công nhân làm việc trong các lòng cống ngầm. Hầu hết, họ không có thiết bị bảo hộ và thậm chí nhiều người mình trần chui sâu vào lòng cống.



Sinh mạng treo trên… dây

Cơn mưa chiều 14/9 bất chợt đổ mạnh, nhiều người vội vàng tìm chỗ trú ngụ trong các mái hiên hai bên đường. Ngoài đường Nguyễn Siêu (Q.1), một nhóm công nhân của Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM vẫn đang làm việc miệt mài. Dường như họ không để ý mưa mỗi lúc một nặng hạt thêm. Từng xô bùn, đất và đủ loại rác… từ lòng cống vẫn được đưa lên trên một cách đều đặn.

Đến khi nước bắt đầu tràn ra lòng đường, anh công nhân trưởng nhóm giật mạnh vào sợi dây “báo động” nối với những người đang chui sâu trong lòng cống.

Theo lý giải, sợi dây này rất quan trọng. “Nó là “công cụ” nối liên lạc giữa người dưới cống và công nhân đứng ở trên. Trong trường hợp người đứng trên nhận thấy có điều gì bất thường, có thể gây nguy hiểm cho người bên dưới… họ sẽ kéo mạnh sợi dây để báo động”.

Sau ít phút, một công nhân chui từ dưới ống cống lên, trên người chỉ mặc vỏn vẹn chiếc quần dài xắn quá đầu gối, người lấm bùn đất.

Thở một hơi dài, anh vội vàng đi đến vũng nước đọng ven đường đã ngả màu bùn đất, rồi thản nhiên tạt mạnh vào người.

Nhìn thấy chúng tôi, anh cười hồn nhiên chia sẻ: “Cái nghề này là vậy đó em. So với nước trong cống, nước ở đây còn sạch hơn gấp nhiều lần”.

Lân la bắt chuyện, chúng tôi được anh em làm việc tại đây cho biết, người thanh niên vừa chui dưới ống cống lên là Huỳnh Bảo Quốc, họ thường gọi Quốc “lì”. Bởi theo nhiều người, “Nếu gặp vấn đề gì khó khăn, Quốc là người xung phong đi đầu”.

Quốc “lì” tâm sự: “Mỗi ngày phải ngâm mình trong lòng cống từ 3, 4 tiếng trở lên, tự tay bốc xác chết của các động vật như chuột, gà, vịt… đã bị thối rữa. Ban đầu cũng thấy “ớn”, nhưng mãi rồi thành quen”.

Mặc dù chưa đầy 35 tuổi nhưng Quốc “lì” đã có thâm niên hơn 13 năm làm nghề thông cống. Ngày nào anh cũng chui ra chui vào những ống cống hàng chục lần và mọi thứ “mùi vị” anh đều nếm trải.

Hiểm nguy rình rập

Công việc của những công nhân thông cống là hàng ngày chui xuống từng hố ga để nạo vét đất, khai thông dòng chảy và xuyên suốt 7 ngày trong tuần. Ngày nào các anh cũng đến từng đoạn cống làm công việc lặp đi lặp lại.

Tâm sự về nghề móc cống, nhiều người chung quan điểm: “Có lẽ ít có cái nghề nào chịu sự dơ bẩn như nghề này. Lúc nào mùi tanh hôi trong người cũng bốc ra nồng nặc, da dẻ nổi mẩn ngứa, sưng vù…”.

Song, đó chưa phải là cái giá cao nhất của đời công nhân thông cống. Phía sau đó, các mối nguy hiểm luôn rình rập, có thể cướp đi sinh mạng bất cứ lúc nào.



Anh Trương Vinh Nguyên (công nhân Công ty thoát nước TP.HCM) kể lại, cách đây 1 năm, trong lúc làm việc một mình dưới lòng cống tại đường Tôn Đức Thắng (Q.1), bất ngờ có một dòng nước bốc khói nghi ngút từ miệng cống đổ xuống. Định thần nhìn kỹ lại đó là chất axít. “Rất may lúc đó mình đứng chệch về một hướng nên chỉ bị phỏng nhẹ ở chân”. Anh Nguyên vén quần, để lộ ra một vết sẹo khá dài ở khuỷu chân trái vì bỏng axit.

Còn với chuyện hàng ngày gặp phải rắn, rết, kim tiêm… diễn ra như cơm bữa. Bởi theo cách lý giải của nhiều công nhân: “Do điều kiện bóng tối cộng thêm ẩm ướt… khiến nhiều loại động vật nguy hiểm thường chui vào đó trú ngụ”.

Đó là chưa nói đến những khí độc hại chết người như khí metan, cacbon… lâu ngày thường tích tụ trong lòng cống. Nếu người không có kinh nghiệm, gặp phải trường hợp này rất dễ dẫn đến tử vong.

An phận với rủi ro

Hiểm nguy là vậy, song đời công nhân làm nghề thông cống thường không có nhiều ràng buộc với công ty. Chế độ hỗ trợ cũng chỉ một lít dầu ăn hay năm ba hộp sữa.

Theo anh Huỳnh Bảo Quốc (công nhân Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM) cho biết: “13 năm làm trong nghề, lương mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng, cộng thêm tiền phụ cấp ăn uống khoảng 500.000đ. Chế độ hỗ trợ chất độc hại, mỗi tháng được 10 hộp sữa và vài ba lít dầu ăn”.

Với mức lương như vậy, anh Quốc nói mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác. “Nhiều người mới vào, tiền phụ cấp cộng lương cũng chỉ 4 triệu/tháng. Phải làm suốt 7 ngày trong tuần mới được mức đó”.

Đó là chưa kể những nỗi vất vả về thể xác do “di chứng” nghề nghiệp để lại. “Nhiều lúc toàn thân nổi mẩn ngứa, lở loét… nhưng cũng đành chấp nhận. Biết làm sao bây giờ, nghề của tụi mình nó là vậy” - anh Trung (người chung nhóm với Quốc) tâm sự.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi, vì sao các anh không chuyển nghề khác, hầu hết anh em công nhân ở đây đưa ra nhiều lý do khác nhau. Người vì đã quen nghề không thể dứt bỏ, người lo lắng sẽ thất nghiệp khi phải đi tìm công việc mới…

Nỗi lo về cuộc sống kiếm cơm hàng ngày, đẩy những công nhân vào thế chấp nhận thực tại, chấp nhận rủi ro…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 

Hút bể phốt Copyright © 2012