Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, nhất là vấn đề xử lý rác thải, nước thải và môi trường không khí. Thành phố đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị- xã hội vào hoạt động BVMT và đã làm thay đổi cơ bản nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chấp hành Luật BVMT. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn Thủ đô vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dân cư vẫn còn xảy ra ở một số nơi, chưa được xử lý, khắc phục hiệu quả.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong dân cư vẫn còn xảy ra ở một số nơi, chưa được xử lý, khắc phục hiệu quả- (Ảnh minh họa: IE)
Từ ô nhiễm rác thải, sông hồ
Ông Phạm Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, hiện tổng lượng chất thải rắn trên địa bàn ước khoảng 5.371 tấn/ngày, trong đó, rác thải sinh hoạt phát sinh từ khu vực đô thị khoảng 3.200 tấn/ngày và từ nông thôn ước khoảng 2.500 tấn/ngày. Nếu tính lượng rác thải sinh hoạt tại các khu vực nông thôn cần phải thu gom xử lý ước khoảng 1.210 tấn/ngày (không bao gồm 4 huyện do thu gom toàn bộ về bãi rác Nam Sơn, Xuân Sơn và Kiêu Kỵ).
Nhưng thực tế, tỷ lệ rác thải được thu gom và xử lý trên địa bàn các huyện chỉ đạt 70%; rác thải vẫn tồn đọng nhiều ở một số điểm, không được xử lý kịp thời đã gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan khu vực. Điển hình là các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ. Ngoài ra, nhiều xã còn có hiện tượng tận dụng các ao hồ và các vùng trũng để đổ rác thải, hình thành hố chôn lấp rác tự phát, không đảm bảo quy trình kỹ thụât và tạo nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm của khu vực.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng tồn đọng rác thải tại khu vực nông thôn, ông Khánh cho biết, do các huyện chưa có khu xử lý tập trung trong khi các khu xử lý rác thải hiện có của thành phố hạn chế, không đủ năng lực tiếp nhận toàn bộ rác thải của một số huyện. Cùng với đó là hạ tầng kỹ thuật đưa đáp ứng được yêu cầu, việc triển khai dự án đầu tư xử lý rác thải tại chỗ bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh và tiến độ xây dựng các điểm tập kết rác thải còn chậm, gây khó khăn cho việc thu gom, vận chuyển.
Về thực trạng sông hồ tại Hà Nội, các đơn vị quản lý cho biết, trong số gần 200 sông, hồ, ao, đầm, thủy vực lớn nhỏ của thành phố, hiện chỉ có khoảng 2% đạt yêu cầu chất lượng ở các chỉ tiêu nghiên cứu, còn lại phần lớn hệ thống sông, hồ, ao bị ô nhiễm chất hữu cơ, nồng độ oxy hòa tan dưới mức tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, hơn 80% hành lang bờ bị ô nhiễm và đang đứng trước nguy cơ bị lấn chiếm để xây nhà, bãi đỗ xe, trở thành bãi tập kết phế liệu hay những “thùng rác thiên nhiên”. Nguyên nhân chính là do ý thức con người, khi 90% nước, rác thải qua cống thoát đổ thẳng xuống sông, hồ, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Có thể kể đến vụ cá chết trắng hồ Trúc Bạch, tình trạng rác thải sinh hoạt của người dân lấn cả lòng hồ Ba Mẫu, hệ thống sông Tô lịch, sông Lừ, sông Sét tình trạng ô nhiễm môi trường luôn ở mức báo động…
Trước “vấn nạn” ô nhiễm sông, hồ, thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt các phương án để từng bước hạ thấp tỷ lệ ô nhiễm của “lá phổi” Thủ đô. Đến nay, Thành phố đã triển khai xong chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước tại 12 hồ và sau hơn một năm xử lý, duy trì, chất lượng nước tại các hồ này đều được cải thiện, phát huy hiệu quả và được cộng đồng dân cư ghi nhận. Thành phố đang tiếp tục phối hợp với đơn vị chuyên môn thực hiện công tác xử lý ô nhiễm nước của 5 hồ gồm: hồ Văn Quán, hồ Võ, hồ Thanh Nhàn, hồ Đền Lừ, hồ Thanh Nhàn 2b.
Đến thách thức tại các khu công nghiệp và làng nghề
Cũng theo đánh giá của Sở TN &MT, công tác BVMT tại các khu công nghiệp (KCN) tập trung và làng nghề chưa được quan tâm đúng mức trong từng doanh nghiệp cũng như cả KCN. Do đó, việc đầu tư cũng như tiến độ triển khai xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các KCN tập trung và làng nghề còn chậm, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật còn nhiều.
Kết quả kiểm tra của Tổng cục Môi trường và Sở TNMT tại 8 KCN đang hoạt động cho thấy, hầu hết các DN đều vi phạm về môi trường, đặc biệt là việc xử lý nước thải công nghiệp. Nghiêm trọng hơn là một số KCN đã đi vào hoạt động nhưng chưa có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung đang tạo nên những thách thức lớn về ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái tự nhiên và gây thiệt hại không nhỏ tới hệ thống nước mặt, nước ngầm đô thị.
Đối với các làng nghề, trong tổng số 1.270 làng có nghề hiện nay (trong đó có 244 làng nghề truyền thống) thì việc mở rộng quy mô phát triển sản xuất kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc gây ô nhiễm môi trường về không khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, nước thải, chất thải rắn. Đặc biệt, ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt… , tất cả các loại chất thải đều không được xử lý mà thải thẳng ra môi trường xung quanh. Hơn nữa, tại các làng nghề có 60- 70% số hộ tham gia vào sản xuất tiểu thủ công nghiệp, một số nguyên vật liệu trước khi đưa vào sản xuất đều phải ngâm một thời gian nhất định, với số lượng rất lớn. Trong khi đó, các ao hồ, sông ngòi, cống rãnh… có thể sử dụng để ngâm nguyên vật liệu đều được nhân dân đưa vào sử dụng. Mặt khác, do không có đường thoát nước nên nước sau khi ngâm nguyên vật liệu đều đọng lại, bốc mùi , gây nên tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng….
Và báo động “đỏ” môi trường không khí
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tình trạng ô nhiễm không khí của Hà Nội luôn ở mức báo động; chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm, bụi có chiều hướng gia tăng cao. Kết quả quan trắc cho thấy, một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, SO2, NO2 và tiếng ồn cục bộ; nhiều chỉ số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép và đặc biệt tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép.
Đơn cử tại các khu vực: Thượng Đình, Mai Động, khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Nội Bài, khu Bia Hà Đông, khu công nghiệp Định Công…, nồng độ bụi, NO2, CO đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng không khí xung quanh. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn xuất hiện tại hầu hết các tuyến giao thông có cường độ xe tải lớn, mật độ giao thông đông đúc như Nguyễn Văn Linh, Giải Phóng, Trần Hưng Đạo, Thăng Long – Nội Bài, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng. Mức độ tiếng ồn ở các đường giao thông này đều vượt quy chuẩn cho phép, rõ nhất vào các giờ cao điểm.
Theo phân tích của giới chuyên môn, các tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội bao gồm hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, hoạt động xây dựng, hoạt động sản sinh năng lượng, xử lý chất thải và hoạt động sinh hoạt của người dân. Trong đó, 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội là từ hoạt động giao thông của hai phưong tiện ô tô và xe máy. Một nguồn gây ô nhiễm không khí khác nữa là hoạt động công nghiệp, chủ yếu là các ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất sản phẩm kim loại, sản xuất gỗ và chế biến lâm sản. Các ngành công nghiệp hóa chất cơ bản và hóa chất khác như vật liệu xây dựng, sản xuất nhựa, phân bón… chiếm 25 – 27% nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí tại Thủ đô. Bụi và phần lớn lượng khí SO2 gây ô nhiễm không khí đến từ hoạt động này.
Bên cạnh đó, hoạt động trong nông nghiệp và làng nghề cũng làm phát sinh chủ yếu các khí CH4, H2S, NH3, các khí có tính axit, kiềm độc hại vào trong không khí. Nhiều làng nghề tái chế kim loại, giấy nhựa, đúc đồng, thực phẩm, gốm sứ… đã thải lượng lớn bụi, khí SO2, NO2, CO, hơi axit và kiềm vào môi trường từ các quá trình xử lý bề mặt, nung, sấy, tẩy trắng, đục, tạo hình các sản phẩm.
Cần có định hướng chiến lược và chế tài đủ “mạnh”
Từ thực trạng tồn tại trên cho thấy, công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường của Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có định hướng chiến lược trong việc tổ chức thực hiện, kế hoạch còn chưa bài bản, bị động.
hó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, các hoạt động BVMT trên địa bàn còn chồng chéo, chưa đạt hiệu quả theo yêu cầu, trong khi đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu ở nhiều khâu, nhiều cấp. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường cũng hạn chế, thiếu cơ chế chính sách phù hợp để khắc phục những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng do các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm còn chưa kịp thời, chưa kiên quyết và chế tài chưa đủ “mạnh” để ngăn ngừa vi phạm.Việc xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng còn nhiếu khó khăn do thiếu chính sách, cơ sở khuyến khích hỗ trợ.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng môi trường, giảm thiểu ô nhiễm gây bức xúc trong nhân dân, Hà Nội tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động BVMT với sự tham gia của cộng đồng. Trước mắt, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án về giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc, Đề án bảo vệ môi trường sông Nhuệ- sông Đáy, cải tạo nâng cấp sông Tô Lịch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trạm xử lý nước thải làng nghề và xử lý ô nhiễm nước tại các sông hồ.
Đối với các công trình dự án xử lý rác thải, nước thải, thành phố yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào hoạt động; tiếp tục nhân rông các điểm thu gom, chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại khu vực nông thôn. Đồng thời tích cực kêu gọi thu hút đầu tư công nghệ xử lý ô nhiễm môi trưòng tiên tiến.
Thành phố chỉ đạo Sở TN &MT, Công an thành phố và UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm pháp lụât về môi trường, tập trung vào các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất và bệnh viện trong nội thành. Đồng thời, các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về BVMT, quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm cho từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Hà Nội sẽ tập trung xây dựng Quy hoạch tổng thể môi trường Thủ đô và các quy hoạch chuyên ngành về môi trường…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét